Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Cân nhắc về đấu giá biển số xe đẹp

Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) chiều 15/9, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo luật lần này sẽ điều chỉnh thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, xe ôtô công từ Thủ tướng sang Chính phủ.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng biển số xe đẹp có thể coi là tài sản công, nên có thể xem xét việc đấu giá, tăng thu cho ngân sách.

 Luật cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công.



Góp ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: "Biển xe số đẹp, các loại phần mềm có được coi là tài sản công hay không?"
Theo Bộ trưởng Dũng, tài sản phần mềm, biển số xe cũng có thể coi là tài sản công. “Nếu biết khai thác quản lý tốt, đem đấu giá góp phần tăng thu ngân sách là tốt. Về mặt chi tiết thì như thế, nhưng để cụ thể hóa vào luật thì sẽ phải bàn tính thêm”, ông Đinh Tiến Dũng trả lời.
can-nhac-dau-gia-bien-so-xe-dep
Bộ trưởng Tài chính cho rằng, biển số xe đẹp cũng là tài sản công, nếu được đem đấu giá thu tiền về cho Nhà nước thì tốt. Ảnh: VPQH
Lần thứ 2 hướng về phía Bộ trưởng Tài chính, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn khi việc sử dụng nhà công vụ còn lãng phí, không đúng mục đích vẫn tồn tại ở các địa phương. “Có lãnh đạo sở hữu tới 3-4 phòng làm việc, rất lãng phí. Rồi các tỉnh đua nhau chuyển sang mô hình trung tâm hành chính tập trung. Ví dụ như Đà Nẵng. Sau một thời gian sử dụng lại muốn giải tán”, ông Phúc nêu.
Đề cập tới chuyện sử dụng xe công, theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, tính tới tháng 7/2016 vẫn còn gần 38.000 ôtô, mặc dù số xe sử dụng sai mục đích đã giảm. Bà Nga đề nghị Bộ Tài chính giải thích rõ hơn việc sử dụng xe công, nhà công vụ vướng gì mà không thực hiện được.
Đại biểu này cũng nêu thêm việc dù hạn chế mua xe công mới, nhưng chi phí sửa xe cũ hằng năm cũng cực lớn. Bà đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra tại các đơn vị đang sử dụng xe cũ xem cụ thể chi phí này là bao nhiêu. “Tôi đọc báo cáo của Bộ Tài chính thì có đánh giá rằng số lượng xe công vẫn còn lớn, tình trạng sử dụng sai mục đích vẫn còn. Tôi cũng quan tâm đến cơ chế khoán xe, ở các nước thực hiện rất phổ biến nhưng ở ta lại rất hạn chế. Tới đây, chúng ta sẽ thực hiện cơ chế khoán thế nào?”, bà Nga nói.
Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng & An ninh thì cho rằng, dự thảo luật phải quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn định mức trong sử dụng xe công, nhà công vụ. “Một ông lãnh đạo thích đi xe cũ để được uy tín, trong khi một tổng giám đốc lại đi xe hoành tráng. Như vậy khó có thể nói là vô lý, không công bằng. Vấn đề ở đây là sắp xếp cho đúng thôi”, vị Tướng này nêu quan điểm.
Ông Việt cũng lo ngại luật này sẽ xung đột với các luật chuyên ngành khác. Ông ví dụ, với Trung tâm hành chính Đà Nẵng, giả sử không dùng được chuyển đi chỗ khác. Nhưng đúng sai về việc này lại được chi phối bởi Luật Xây dựng. Như vậy thì Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước lại không có tác dụng. 
Về điểm này, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu kiến nghị dự thảo luật sửa đổi lần này không nên quá cầu toàn. “Cứ nói là tài sản công rồi đưa hết vào luật, vừa chồng chéo với luật chuyên ngành, lại sa lầy, rồi chẳng quản lý được gì”, ông Lưu nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc nhở cơ quan soạn thảo về mục tiêu cao nhất của dự thảo luật là tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, chống thất thoát, lãng phí. Một số tài sản đã được luật chuyên ngành quy định cụ thể, thì luật này chỉ đưa ra quy định khung.
Riêng quy định về cho phép thuê, bán, khoán tài sản công… ông Hiển lưu ý, dự thảo luật phải quy định chặt chẽ để tránh bán và cho thuê tràn lan “tiền vào túi tư nhân, chứ không vào Nhà nước”. Dự kiến, văn bản này sẽ được trình và lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét